Tam cá nguyệt dù không xa lạ nhưng không phải ai cũng hiểu rõ khái niệm này. Click ngay để tìm hiểu tam cá nguyệt là gì, những điều cần lưu ý liên quan thông qua bài viết dưới đây.
Thuật ngữ “tam cá nguyệt” được xem là một khái niệm khá quen thuộc, đặc biệt là đối với những người đang tìm hiểu về các vấn đề liên quan tới sinh sản . Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu biết rõ ràng về thuật ngữ này. Hãy cùng mevabe24.com tìm hiểu chi tiết tam cá nguyệt là gì, những điều cần lưu ý liên quan đến tam cá nguyệt thông qua bài viết dưới đây.
1. Tam cá nguyệt là gì?
Theo dân gian xưa, thời gian mẹ bầu mang thai thường được gọi là “mang nặng đẻ đau” 9 tháng 10 ngày. Đây là một cách gọi dân dã và dễ hiểu. Tuy nhiên, quãng thời gian trên đã được các sản khoa hiện đại chia thành 3 giai đoạn thai kỳ, và hình thành nên khái niệm “tam cá nguyệt”. Hiểu một cách đơn giản, tam cá nguyệt chính bao gồm 3 hành trình thai kỳ mà mẹ bầu sẽ trải qua, tương ứng với 3 giai đoạn của tam cá nguyệt.
- Tam cá nguyệt thứ 1: gồm 3 tháng thai kỳ đầu tiên, được tính đến tuần thứ 13
- Tam cá nguyệt thứ 2: gồm 3 tháng giữa thai kỳ, được tính từ tuần 14 đến tuần thứ 27
- Tam cá nguyệt thứ 3: gồm 3 tháng cuối thai kỳ, được tính từ tuần thứ 28 đến tuần thứ 40
Với từng tam cá nguyệt, các mẹ bầu sẽ thuận tiện hơn trong việc hiểu rõ tình trạng chung liên quan đến vấn đề sức khỏe của mẹ và bé. Theo đó, mẹ và gia đình sẽ dễ dàng để theo dõi cũng như điều chỉnh cho phù hợp. Không chỉ vậy, với từng đợt tam cá nguyệt tương ứng sẽ có các chỉ định xét nghiệm cần thực hiện theo chỉ định của bác sĩ. Điều này là cần thiết để giúp mẹ có thể kiểm tra tốt cho hành trình mang thai của mình.
2. Tam cá nguyệt thứ nhất (tuần 1 đến tuần 13)
Việc mang trong mình một sinh linh bé nhỏ ắt hẳn đều là niềm hạnh phúc đối với bất kỳ mẹ bầu nào. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu thai kỳ – tức là tam cá nguyệt thứ nhất – luôn là khoảng thời gian vô cùng khó khăn và mệt mỏi đối với cơ thể sản phụ. Trong khoảng thời gian này, cơ thể mẹ sẽ có các thay đổi như:
- Căng tức lồng ngực
- Buồn nôn hoặc ốm nghén
- Tăng hay giảm cân
- Mệt mỏi, ợ nóng, đau nhức đầu, đau bụng dưới
- Tâm trạng nhạy cảm, tính tình thất thường
- Cảm giác thèm hoặc ghét một số loại thực phẩm
- Thói quen tiểu tiện thay đổi
2.1. Sự phát triển của thai nhi trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất
- Trong 2 tuần đầu, phôi thai sẽ hình thành và xây dựng “tổ ấm”
- Tuần 5: bé phát triển thành một chú nòng nọc, hình thành hệ thống tuần hoàn và có nhịp đập của trái tim
- Tuần 6: Bé bắt đầu hình thành mũi, miệng và tai; phát triển ruột, não bộ và tủy sống. Lúc này, bé sẽ có kích thước khoảng từ 4 đến 7mm
- Tuần 7: bắt đầu phát triển tay và chân, với hình hài nhỏ xinh tựa như mái chèo. Vào tuần 7 kích thước bé phát triển lên 9 đến 15 mm
- Tuần 8: Hệ thần kinh nguyên thuỷ được hình thành, ống hô hấp nối dài từ họng cho tới hai lá phổi đang trong quá trình phát triển. Bé sẽ khoảng 16 đến 22mm
- Tuần 9: về cơ bản thì hình thái của bé đã được hình thành. Khi siêu âm, bạn sẽ thấy được dái tai của bé. Lúc này bé sẽ có kích thước từ 23 đến 30mm, và cân nặng của mẹ bầu cũng tăng nhanh chóng
- Tuần 10: tay và chân của bé có thể gập duỗi, đang hình thành móng tay và móng chân. Kích thước bé vào khoảng 31 đến 40mm
- Tuần 11: dưới nướu răng của bé xuất hiện chồi răng nhỏ
- Tuần 12: các ngón chân có khả năng cong lại, não bộ được phát triển mạnh mẽ
- Tuần 13: có thể nhìn rõ các tĩnh mạch cũng như cơ quan, nội tạng của bé
2.2. Những điều mẹ bầu cần lưu ý
Giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất rất quan trọng, bởi nguy cơ sẩy thai khá cao và có thể kiểm tra được các dị tật bẩm sinh. Một số điểm mẹ bầu cần phải thực hiện trong khoảng thời gian này bao gồm:
- Thực hiện khám thai vào hai giai đoạn: từ tuần 7-10 và từ tuần 12-13 để theo dõi thai nhi phát triển cũng như thực hiện xét nghiệm các bệnh lý sớm
- Tính ngày dự sinh: khi khám thai lần đầu, bác sĩ sẽ giúp mẹ bầu tính tuổi thai và dự đoán chính xác ngày dự sinh
- Xét nghiệm sàng lọc: việc xét nghiệm thời gian này sẽ giúp mẹ bầu xác định đúng đến 85% khả năng thai nhi có mắc hội chứng Down hay không
- Siêu âm độ mờ da gáy: thực hiện vào gần cuối tam cá nguyệt thứ 1, khoảng từ tuần 11 đến tuần 13 để xác định có mắc hội chứng Down hoặc có tồn tại các bất thường khác không
- Không sử dụng những chất kích thích, hạn chế tiếp xúc các bức xạ môi trường
- Đảm bảo dinh dưỡng: các buổi ăn được chia nhỏ hợp lý, chế độ dinh dưỡng đa dạng. Đặc biệt, mẹ bầu cần được bổ sung chất axit folic để hỗ trợ bé phát triển toàn diện hơn
- Sinh hoạt vợ chồng thận trọng
3. Tam cá nguyệt thứ hai (tuần 14 đến tuần 27)
Đến với tam cá nguyệt thứ hai, mẹ bầu sẽ thấy sự xuất hiện một đường kẻ trên bụng, chạy từ rốn cho tới vùng kín. Trên mặt sẽ dần dần có những đốm da sẫm màu; vú có quầng thâm; ngực, bụng, đùi và mông bị rạn da; vùng chậu bị đau lưng và chân bị chuột rút. Ngoài ra, mẹ bầu còn có khả năng gặp phải tình trạng tiểu đường thai kỳ và thai lưu.
Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường thai kỳ là vì sự rối loạn lượng đường có trong máu. Bệnh này có khả năng phát triển mạnh mẽ xuyên suốt thai kỳ và biến mất sau khi sinh. Tuy nhiên, tiểu đường thai kỳ có thể hình thành các nguy cơ về sức khỏe của mẹ như: mẹ dễ chuyển dạ và sinh non, tiền sản giật, cao huyết áp,…
Một tình trạng nguy hiểm khác mà các mẹ bầu cần lưu ý đó chính là hiện tượng thai lưu – là tình trạng thai nhi không tiếp tục phát triển nữa. Dấu hiệu nhận biết của hiện tượng này đó chính là mẹ bầu xuất hiện tình trạng đau bụng, có thể ra máu kèm theo; không cảm nhận được sự chuyển động của thai; nước ối bị rò rỉ; không nghe tim thai;…
3.1. Sự phát triển của thai nhi trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2
- Tuần 14: thai nhi có thể mút tay và vận động cơ mặt nhờ những xung động thần kinh, thận bắt đầu làm việc
- Tuần 15: kích thước bé lớn ngang quả táo, mẹ có thể nhận thấy giới tính của thai nhi
- Tuần 16: bé phát triển kích thước bằng quả bơ. Cơ thể mẹ sẽ cảm nhận được rõ ràng chuyển động của thai nhi vì thai nhi đã phát triển chân và có khả năng đạp
- Tuần 17: thai nhi vận động nhiều hơn, móng chân phát triển
- Tuần 18: thai nhi có khả năng nghe môi trường bên ngoài, có sự hoạt động của hệ tiêu hoá
- Tuần 19: thai nhi phát triển lớp da bảo vệ
- Tuần 20: thai nhi có khả năng thải phân su màu đen hay màu xanh đậm. Kích thước bé sẽ khoảng 260mm vào tuần thứ 20
- Tuần 21: lông tơ phát triển toàn thân
- Tuần 22: phát triển tóc và lông mày, kích thước thai nhi khoảng 280 mm
- Tuần 23: hình thành vân tay và vân chân; mắt bé có khả năng chuyển động tốt hơn
- Tuần 24: da xuất hiện rõ các nếp nhăn. Bé sẽ nặng khoảng 630 g và chiều dài khoảng 300mm
- Tuần 25: bé có khả năng phản hồi âm thanh thông qua việc cử động, đạp chân
- Tuần 26: phổi thai nhi phát triển, bắt đầu sự sản xuất chất surfactant
- Tuần 27: lớp mỡ dần dần xuất hiện giúp da bé mịn màng, tóc phát triển mạnh
3.2. Những điều mẹ bầu cần lưu ý
- Khám thai vào các giai đoạn: tuần 14 đến tuần 18; tuần 19 đến tuần 23 và tuần 24 đến tuần 28.
- Đảm bảo dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ vitamin, canxi, protein, thực phẩm giàu chất xơ
- Theo dõi sự thay đổi của cơ thể, cần chú ý chăm sóc cho mái tóc và làn da
- Duy trì sức khỏe và sức đề kháng
- Tiêm chủng phòng uốn ván
- Đảm bảo sức khỏe tinh thần ổn định
4. Tam cá nguyệt thứ ba (tuần 28 đến tuần 40)
Giai đoạn cuối thai kỳ, sản phụ sẽ gặp nhiều triệu chứng phổ biến như ợ nóng, rốn lồi, sưng ngón tay và mắt cá chân, khó thở, tay yếu hơn so với bình thường, gặp các cơn gò sinh lý,… Bên cạnh các triệu chứng kể trên, mẹ bầu đặc biệt lưu ý đến các tai biến sản khoa có nguy cơ xảy ra và ảnh hưởng xấu đến thai nhi như: tiền sản giật, nhau bong non, chuyển dạ sinh non, nhau tiền đạo, ngôi ngược,…
4.1. Sự phát triển của thai nhi trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba
- Tuần 28: mí mắt mở một phần, xuất hiện lông mi. Thai nhi nặng tầm 1000g
- Tuần 29: thai nhi có khả năng đá và duỗi người
- Tuần 30: mí mắt có thể mở to, có sự sản sinh hồng cầu nhờ tủy xương phát triển
- Tuần 31: thai nhi phát triển nhanh về cân nặng
- Tuần 32: bé bắt đầu việc tập thở, nặng khoảng 1700g
- Tuần 33: bé có sự thay đổi về kích thước đồng tử, có sự phản ứng đối với những kích thích của ánh sáng. Xương thai nhi được phát triển chắc khỏe
- Tuần 34: móng tay mọc dài, cân nặng tầm 2100g
- Tuần 35: da có màu hồng và mịn màng
- Tuần 36: bé ít cử động hơn vì không gian chật hẹp
- Tuần 37: bé bắt đầu di chuyển vào vùng xương chậu, chuẩn bị vượt cạn cùng mẹ
- Tuần 38: lông tơ rụng, móng chân dài hơn và cân nặng bé khoảng 2900g
- Tuần 40: thời điểm vàng để mẹ và bé gặp nhau. Thai nhi có kích thước khoảng 480mm và nặng khoảng 3400g
4.2. Những điều mẹ bầu cần lưu ý
- Mẹ bầu nên khám thai thường xuyên, một tuần khoảng 1 đến 2 lần
- Chuẩn bị đồ thiết yếu cho bé sơ sinh
- Tham gia các lớp học tiền sản: học cách hít thở và cách giảm đau khi chuyển dạ. Mẹ cũng sẽ được hướng dẫn làm sao để phục hồi sau sinh hiệu quả, các lưu ý khi chăm sóc bé những ngày đầu,…
- Đếm cử động thai: để cảm nhận sự hiện diện của bé, đồng thời theo dõi và sẵn sàng để bé chào đời
- Đảm bảo sức khỏe ổn định
Như vậy, với bài viết trên mevabe24h.com đã chia sẻ chi tiết các thông tin liên quan tới tam cá nguyệt, quá trình phát triển của bé trong từng giai đoạn cũng như những điều mẹ bầu cần lưu ý. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi chia sẻ sẽ hữu ích đến bạn đọc và giúp bạn trang bị kiến thức tốt cho hành trình thiêng liêng sắp tới.