Một thai kỳ khỏe mạnh và sự ra đời của các thiên thần nhỏ là niềm vui rất nhiều bố mẹ. Tuy nhiên, hãy tìm hiểu kỹ về các thời điểm nên và không nên thụ thai, tránh nôn nóng để có những bước chuẩn bị tốt nhất cho sự xuất hiện của một thành viên mới trong gia đình. Cùng bài viết dưới đây tìm hiểu thêm về vấn đề này nhé!
1. Những thời điểm không nên thụ thai bố mẹ nên nhớ
Hãy lưu ý những thời điểm không nên thụ thai dưới đây bố mẹ nhé. Bởi thụ thai là bước đầu của cả một hành trình thai kỳ đầy khó khăn nhưng cũng tràn ngập hạnh phúc. Hãy chuẩn bị thật tốt để con khỏe mạnh, bố mẹ vui.

1.1. Khi mẹ vừa chụp X-quang không lâu.
Lượng chiếu xạ dùng trong y học tuy rất ít nhưng nó vẫn có ảnh hưởng nhất định đến tế bào sinh dục trong cơ thể con người. Vì vậy, để đảm bảo, chúng ta vẫn lên loại bỏ nguy cơ nhiễm sắc thể của tế bào trứng phát sinh dị hình hoặc đột biến gen. Hãy tránh thụ thai trong khoảng thời gian ngắn sau khi chụp Xquang. Nếu mẹ đã chụp Xquang, đặc biệt là vùng bụng, thì hãy đợi ít nhất 4 tuần để thụ thai an toàn nhé.
1.2. Ngay khi mẹ vừa tháo vòng hoặc ngừng thuốc tránh thai
- Vòng tránh thai là dị vật được đặt trong tử cung để ngăn cản trứng thụ tinh. Dù thời gian đặt vòng dài hay ngắn, vòng tránh thai đều ít nhiều có sự ảnh hưởng nhất định đến tử cung, điều này đều có những bất lợi đối với sự phát triển của phôi thai. Có thai ngay sau khi tháo vòng hoàn toàn không tốt cho cả mẹ và thai nhi. Vì vậy, mẹ nên tháo vòng trước 2-3 tháng thời gian thụ thai để tử cung ổn định lớp niêm mạc và giữ thai tốt hơn.

- Mẹ cũng lưu ý không nên thụ thai ngay sau khi ngừng thuốc tránh thai. Trong thời gian dùng thuốc tránh thai, cơ thể mẹ có nhiều thay đổi về hormon. Trong vòng 3 tháng sau khi ngừng thuốc, nồng độ thuốc trong cơ thể không đủ để có tác dụng tránh thai, nhưng đối với thai nhi vẫn có những ảnh hưởng không tốt. Nếu có kế hoạch mang thai, mẹ hãy ngừng thuốc trước ít nhất là 3 tháng. Đây là thời gian đủ để thuốc đào thải hoàn toàn ra ngoài cơ thể. Hãy áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn khác trong giai đoạn này.
1.3. Khi bố hoặc mẹ đang mắc một số bệnh lý
Khi bố hoặc mẹ mang bệnh lý cấp tính, sức khỏe của cơ thể sẽ bị suy giảm khiến cho chất lượng trứng và tinh trùng ảnh hưởng ít nhiều. Bên cạnh đó, việc cơ thể kiệt quệ khiến mẹ không đủ dinh dưỡng để nuôi dưỡng bào thai trong cơ thể. Đồng thời, các loại thuốc điều trị cũng có khả năng gây ra các tác dụng phụ ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển thai nhi. Hãy ngừng thuốc điều trị ít nhất 4 tuần và đảm bảo sức khỏe của cả bố và mẹ đều ổn định trước khi thụ thai nhé!
1.4. Quá gần thời điểm sảy thai hoặc đẻ non gần nhất

Nếu mẹ đã bị sẩy thai hoặc đẻ non trước đó, chúng tôi hiểu mong muốn có lại em bé sớm của bố mẹ nhưng đừng vội vàng cho việc thụ thai ngay. Cơ thể mẹ sau quá trình sảy thai hoặc đẻ non bị hư hao rất nhiều. Với sức khỏe như vậy, mẹ không sẵn sàng để thụ thai ngay, và em bé cũng đối mặt với rất nhiều nguy cơ do sức khỏe của mẹ bị suy kiệt, không cung cấp đủ chất dinh dưỡng, nội mạc tử cung của mẹ còn nhiều thương tổn, khó giữ được thai nhi. Ngoài sức khỏe thể chất, mẹ cũng đang đối mặt với những vấn đề khác về tinh thần do việc mất con để lại. Bố mẹ hãy cùng nhau chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần thật tốt sau việc sảy thai hoặc đẻ non, trước khi cùng nhau lên kế hoạch cho việc thụ thai tiếp theo.
1.5. Tiếp xúc với môi trường độc hại
Nếu như bạn phải làm việc trong môi trường độc hại, ô nhiễm, tiếp xúc với nhiều hóa chất, đây không phải là thời điểm lý tưởng để thụ thai. Bởi khi bà mẹ mang thai tiếp xúc với các loại hóa chất, có thể phải đối mặt với các nguy cơ:
– Thai nhi bị dị tật
– Trẻ có thể trạng yếu
– Sinh non, sẩy thai
Trong trường hợp này, nếu có ý định có con, bạn nên tham khảo kỹ ý kiến bác sĩ.
1.6. Sau khi tiêm vacxin

Các chuyên gia luôn khuyên mẹ nên có kế hoạch mang bầu trước từ 3-6 tháng. Trong thời gian này nhiều mẹ thường dành để tiêm vacxin như rubella, thủy đậu hay cúm… Mẹ cần nhớ sau khi tiêm những loại vacxin này thì cần kiêng có bầu từ 3-6 tháng để không bị ảnh hưởng đến thai nhi.
2. Thời điểm thụ thai phù hợp là khi nào?
Không có quy định về thời điểm thụ thai phù hợp. Tuy nhiên mẹ có thể để ý về mốc ra đời của em bé để lựa chọn thời điểm có thời tiết phù hợp. Ví dụ, khi thụ thai vào cuối xuân, đầu hạ, mẹ sẽ có thai kỳ kéo dài hết mùa hạ, thu và đông. Ba tháng đầu của thai kỳ mẹ sẽ ít gặp các vấn đề về hô hấp, truyền nhiễm của mùa đông – xuân, giảm tỉ lệ dị tật của bé. Tuy nhiên, em bé sẽ được ra đời vào mùa đông – xuân, khi tiết trời khá ẩm và lạnh.

Không có một thực đơn nào thật sự đúng để đánh giá về thời điểm nên thụ thai. Bố mẹ hãy quyết định thụ thai khi cả bố và mẹ đang có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt nhất!