Tắm bé sơ sinh luôn là việc mà bất cứ người mẹ nào cũng phải trải qua khi có con. Vậy phải làm sao cho đúng, cần chuẩn bị và lưu ý điều gì?
Với bé sơ sinh, việc tắm luôn là một điều cực kỳ tuyệt vời. Bởi lúc này bé được bàn tay mẹ nâng niu, được nghe giọng và nhìn rõ mặt mẹ hơn. Tại bài viết hôm nay, mevabe24h.com sẽ chia sẻ những kiến thức chăm con bổ ích. Cụ thể là việc tắm bé sơ sinh làm sao cho đúng cách, cần lưu ý và chuẩn bị những gì. Hãy cùng tìm hiểu với mevabe24h.com nào.
1. Trước khi tắm bé sơ sinh mẹ cần chuẩn bị như thế nào?
Mẹ nên chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ mẹ cần khi tắm và sau khi tắm cho bé. Những vật dụng như là: khăn mặt, khăn tắm, bông ngoáy tai, thuốc nhỏ mắt và mũi, thuốc sát trùng rốn, kem dưỡng da, phấn rôm, quần áo và tã sạch. Đặc biệt là sữa tắm và dầu gội, cần lựa chọn kỹ càng vì nó ảnh hưởng đến da của bé. Tránh dùng các loại không có nguồn gốc rõ ràng mà hãy dùng các loại dành riêng cho trẻ sơ sinh.
Trước khi tắm cho bé, mẹ buộc phải tháo đồng hồ và trang sức trên tay để tránh làm bé bị thương. Ngoài ra, nếu mẹ đang cầm điện thoại hoặc bỏ trong túi thì nên cất ở vị trí khác. Vì trong lúc tắm, điện thoại có thể làm mẹ phân tâm.
Tiếp theo là chuẩn bị nước để tắm cho bé. Đối với bé dưới sáu tháng tuổi thì mẹ nên canh mực nước vừa phải để đảm bảo an toàn. Nhiệt độ nước cũng rất quan trọng, mẹ cần kiểm tra trước khi đặt con vào. 37- 38°C là nhiệt độ phù hợp nhất, có thể đo bằng nhiệt kế chuyên dụng. Không dùng nước quá nóng vì có thể khiến bé bị bỏng và trong lúc tắm cũng không nên đổ thêm nước.
2. Những bước cơ bản khi tắm bé sơ sinh
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ, mẹ có thể tiến hành tắm cho bé sơ sinh. Tuy nhiên, không phải như người lớn tắm như thế nào cũng được, bé sơ sinh phải tắm theo quy trình. Dưới đây là các bước cơ bản để mẹ tắm cho bé sơ sinh, cụ thể:
2.1. Lau mặt và gội đầu
Trước tiên, mẹ cởi đồ bé và dùng khăn lông quấn quanh người từ vai trở xuống chân cho bé. Sau đó cho bé tựa thân mình vào lòng mẹ và nằm ngửa như đang bú mẹ. Đồng thời, mẹ dùng một tay đỡ đầu và cổ của bé. Tay còn lại dùng khăn sữa thấm nước đã được vắt khô lau mặt theo thứ tự 2 mắt, mũi, mặt và 2 tai. Khi lau mắt mẹ có thể lau từ trong khóe mắt ra ngoài hai bên tai, sau đó đổi mặt khăn và lau mắt còn lại.
Mẹ nên lau nhẹ nhàng và cẩn thận, tránh đưa nước hoặc dị vật vào tai hoặc mũi của bé khi tắm. Sau khi lau mặt sạch, mẹ có thể chuyển sang gội đầu cho bé. Mẹ làm ướt tóc, rồi dùng tay thoa xà phòng gội đầu cho bé. Dùng khăn sữa thấm nước, sau đó xả lại bằng nước ấm sạch. Gội đầu xong lập tức lau khô đầu cho bé các mẹ nhé.
2.2. Tắm mình
Cởi bỏ khăn lông và cho người bé ngồi ngửa trong thau. Một tay đỡ đầu, tay còn lại dùng để tắm từ cổ xuống chân cho bé. Khi tắm chú ý vệ sinh sạch những vị trí như vùng kín, bẹn, mông, nách,…
2.3. Lau người
Dùng tay đỡ đầu và cổ của bé và nhẹ nhàng nhấc bé ra khỏi thau tắm. Đặt bé nằm ngửa lên khăn khô, mềm và sạch đã được trải sẵn. Sau đó, lau khô người bé, lau kỹ ở các nếp gấp da như nách, bẹn, quanh cổ, sau tai,… Sau đó mẹ nên thoa phấn rôm vào các vị trí này để con tránh bị hăm.
2.4. Mặc quần áo
Sau khi lau khô và thoa phấn, mẹ có thể tiến hành mặc tã và quần áo cho con. Ngoài ra, ở bước này mẹ còn có thể tận dụng chăm sóc con. Như là làm vệ sinh rốn hoặc nhỏ mắt, mũi, rơ miệng và cho uống vitamin D nếu cần.
3. Tắm bé sơ sinh cần lưu ý những vấn đề gì?
Tắm cho bé, đặc biệt là bé sơ sinh, luôn là điều băn khoăn của hầu hết các bậc phụ huynh. Khi tắm cho bé có cần lưu ý điều gì không luôn là câu hỏi mà nhiều mẹ trẻ thắc mắc.
3.1. Thời điểm và thời gian tắm cho bé
Tắm cho bé sơ sinh không chỉ làm sạch cơ thể mà còn hỗ trợ thúc đẩy quá trình lưu thông máu. Về thời điểm tắm, mẹ có thể tắm cho trẻ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải thích hợp. Thời điểm thích hợp như là trước giờ ngủ, trước khi bé ăn từ 1 đến 2 tiếng. Điều này sẽ khiến bé thư giãn, giúp giấc ngủ ngon hơn và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Tuyệt đối không nên tắm vào thời điểm bé đang đói hoặc vừa mới bú no.
Đó là thời điểm tắm thích hợp, vậy còn thời gian tắm cho bé bao lâu mới là thích hợp? Thời gian tắm bé sơ sinh thích hợp là trong khoảng 5-10 phút. Đây là trung bình đủ lâu để mẹ tắm sạch cho con. Không nên cho con ngâm nước hoặc tắm quá lâu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
3.2. Địa điểm tắm cho bé
Ðể bé thoải mái nhất khi tắm, mẹ nên tắm con tắm ở những nơi ấm áp, kín đáo và kín gió. Không nhất thiết phải tắm trong phòng tắm, vì đôi khi trong này trơn trượt và để nhiều vật dụng. Để đảm bảo cho cả mẹ và bé, thì chọn những nơi đảm bảo điều kiện tắm và an toàn là được.
3.3. Chuẩn bị nước tắm bé sơ sinh
Trẻ sơ sinh có làn da cực kỳ mong manh và nhạy cảm nên rất dễ bị bỏng. Do đó, trước khi cho bé tắm cần kiểm tra nhiệt độ nước cẩn thận. Như đã nói ở trên, nhiệt độ phù hợp để bé tắm là từ 37-38 độ C. Nhiều mẹ thường dùng cổ tay hoặc khuỷu tay để đo nhiệt độ nước, tuy nhiên vẫn chưa chắc chuẩn xác. Cách tốt nhất là dùng nhiệt kế chuyên dùng để canh chỉnh nhiệt độ. Ngoài ra, khi pha nước mẹ nên cho nước lạnh trước rồi pha nước nóng sau.
3.4. Lựa chọn khăn phù hợp trong và sau khi tắm
Khăn sữa mềm mại rất thích hợp cho làn da nhạy cảm của bé. Mẹ nên sử dụng khăn này trong quá trình tắm cho bé. Sau khi tắm, mẹ nên dùng khăn to hơn để có thể vừa quấn người và vừa lau khô. Chất liệu của khăn này cũng cần chú ý, không chọn chất liệu khô cứng, mà chọn chất bông mềm mịn.
3.5. Rửa mặt cho bé đúng cách
Nhiều bà mẹ theo thói quen thường dùng khăn lau sơ toàn bộ mặt cho bé rồi mới đến chi tiết. Tuy nhiên cách này không tốt và có khi còn có hại cho bé. Trên mặt bé, nên ưu tiên lau mắt trước, vì đây là bộ phận nhạy nhất trên mặt. Khi lau, mẹ nên lau mi mắt thật nhẹ nhàng từ trong ra ngoài mắt, sau đó đến phần mũi, mặt và tai.
3.6. Vệ sinh rốn cho bé
Mẹ có thể vệ sinh rốn cho bé bằng cách dùng khăn hoặc tăm bông nhúng cồn 75%. Điều này sẽ làm sạch bụi bẩn và giữ cho rốn của bé luôn sạch sẽ. Lúc vệ sinh nên nhẹ nhàng và cẩn thận hết mức có thể. Trường hợp mẹ phát hiện rốn bị sưng hoặc có mủ, cần nhanh chóng đưa đến bác sĩ để khám.
3.7. Không gội đầu cho trẻ trước
Đây là thói quen không tốt mà mẹ cần tránh. Để não bộ của bé tiếp nhận và thích ứng kịp, mẹ nên lau mặt cho bé trước sau đó mới gội đầu. Ngoài ra cần lưu ý, ngay sau khi gội đầu xong phải lau khô ngay và tránh để nước chảy vào tai bé.Tắm bé sơ sinh là cả một quá trình học hỏi và luyện tập mà người mẹ nào cũng phải trải qua. Có thể một hai lần đầu rất khó và khá vụng về, nhưng nếu mẹ cố gắng thì sẽ làm được. Hy vọng với những chia sẻ của mevabe24h.com, có thể mang lại cho mẹ kiến thức chăm con bổ ích.