Bế một em bé sơ sinh không hề dễ dàng với người lần đầu tiên làm cha mẹ. Vậy nên, để con được thoải mái nhất, mời bạn tham khảo cách bế bé sơ sinh sau đây.
Những em bé mới sinh luôn đem lại cảm giác non nớt, yếu đuối đối với người lớn. Và sự thực thì cũng là như vậy. Việc bế bồng các em luôn phải có sự cẩn thận tuyệt đối. Có không ít người làm cha làm mẹ lần đầu tiên thấy lóng ngóng với việc bế con được cho là dễ nhất trong hành trình chăm con nhỏ này. Tuy nhiên, ba mẹ lần đầu đừng quá lo lắng, ở đây đã có sẵn kiến thức về cách bế bé sơ sinh rồi, các bạn chỉ cần tham khảo thôi.
1. Lưu ý chung trong cách bế bé sơ sinh
Vùng thóp ở đầu và vùng cổ của trẻ sơ sinh là 2 vị trí người bế cần đặc biệt lưu tâm. Bởi 2 nơi này là yếu nhất của trẻ trong khoảng thời gian mới chào đời. Trước khi nâng bé lên ở tư thế nằm, ba mẹ hoặc người bế cần đỡ cả vùng cổ, đầu và vùng lưng của bé. Vì đỡ lưng trẻ đúng tư thế sẽ tránh việc cong vẹo cột sống về sau này. Đồng thời, giúp cột sống của em bé phát triển đúng dáng hơn.
1.1. Tư thế bế số 1
Có nhiều tư thế bế bé sơ sinh khác nhau. Bạn có thể chọn cách bế áp sát vào vùng ngực của mình. Tức là với tư thế này, phần cổ gáy của em bé sẽ nằm ở khuỷu tay của bạn. Và toàn bộ cơ thể em sẽ áp sát vào phần ngực – bụng của người bế. Tay còn lại của bạn thì đỡ lưng bé. Cách bế bé sơ sinh này mang lại sự chắc chắn và vững vàng hơn. Nhưng điểm trừ là phần gáy của trẻ nhỏ dễ bị nóng.
1.2. Tư thế bế số 2
Cách bế thứ 2 thường là bế lúc chơi đùa cùng em bé. Với tư thế bế này, một tay bạn vẫn đặt sau lưng trẻ, tay còn lại thì dùng toàn bộ lòng bàn tay để đỡ cổ, vai gáy cho bé. Yên tâm là một bàn tay người trưởng thành hoàn toàn đủ lớn để đỡ đầu – cổ – gáy cho trẻ sơ sinh. Cách bế bé sơ sinh này thì không sợ nhiều mồ hôi hay bị nóng vào tiết trời như mùa hè. Nhưng lại không đủ chắc chắn, vững vàng như cách trên.
2. Hướng dẫn bế bé sơ sinh lên từ tư thế nằm sấp
Không nhiều trường hợp bạn phải bế bé lên từ tư thế nằm sấp. Tuy nhiên, nếu chưa biết cách bế bé sơ sinh lên từ tư thế này thì chắc chắn sẽ lúng túng. Hãy tham khảo ngay để phòng trường hợp gặp phải thì còn biết cách xử lý nhé.
2.1. Dùng 2 tay đỡ đồng thời cổ và bụng bé
Một tay bạn luồn vào giữa 2 chân của trẻ nhỏ sao cho lòng bàn tay chạm tới được phần ngực của em. Tay còn lại nhẹ nhàng đặt dưới má của bé, đảm bảo cho đầu của em được đỡ vững vàng.
2.2. Nâng người bé và xoay về phía mình
Tiến hành nâng em bé lên một cách từ từ, cố gắng giữ vững cơ thể cũng như tư thế bế trẻ. Trong lúc nâng cơ thể em lên, hãy luôn giữ cho phần đầu của em cao hơn phần thân. Sau đó từ từ xoay đằng trước bé về phía mình. Có thể dùng khuỷu tay để đỡ phần đầu và cổ của trẻ.
2.3. Bế bé lên đưa vào vòng tay
Khi bé đã xoay về phía bạn, hãy đưa bàn tay đang ở phần giữa của 2 chân chuyển xuống dưới mông em. Tay còn lại tiếp tục đỡ đầu và gáy của em bằng phần khuỷu tay.
Cẳng tay và lòng bàn tay đỡ toàn bộ lưng em bé. Lúc này bạn mới bế em bé lên đưa vào vòng tay mình.
3. Cách bế bé sơ sinh theo tháng tuổi
Kiến thức chung bế bé sơ sinh là đỡ đầu, cổ, gáy và lưng. Tuy nhiên, cũng không hẳn ở mọi giai đoạn đầu đời (sơ sinh) bé cũng cần phải bế quá chặt như thế. Số tháng tuổi tăng lên thì cơ thể trẻ cũng cứng cáp hơn. Do đó mà việc bế trẻ nhỏ sơ sinh cũng trở nên nhẹ nhõm hơn, không khó khăn như thời gian đầu nữa. Để hiểu kỹ hơn về vấn đề này, mời bạn xem tiếp thông tin dưới đây.
3.1. Bé sơ sinh từ 1 – 2 tháng
1 – 2 tháng đầu tính từ lúc ra khỏi bụng mẹ là thời điểm cơ thể trẻ sơ sinh còn yếu ớt nhất. Vào khoảng thời gian này, em bé nên được bế theo tư thế nằm ngang sẽ vững chắc nhất. Ngoài ra, tốt nhất là không nên bế trẻ theo tư thế vác vai hay còn gọi là thẳng đứng. Vì cơ thể bé chưa đủ cứng cáp, đặc biệt là phần đầu và cổ còn rất yếu. Bế vác vai sẽ gây ra nhiều hệ lụy mà không ai có thể lường trước được.
Dĩ nhiên, trong một số trường hợp thì ba mẹ có thể bế em ở tư thế vác vai vài phút. Đó là khi vỗ lưng để em ợ hơi sau khi ăn no sữa.
3.2. Bé sơ sinh từ 3 – 5 tháng
3 tháng trở ra đến khoảng tháng thứ 5 là lúc cơ thể trẻ nhỏ cứng cáp dần và tư thế bế có thể đa dạng hơn rồi. Lúc này, ngoài bế nằm ngang thì bế bé nghiêng hay bế thẳng đứng (bế vác) là hoàn toàn có thể. Bởi phần đầu của bé đã tự giữ được thẳng, nhưng cổ và lưng thì chưa. Vậy nên, về cơ bản thì tư thế bế thẳng lưng trẻ vẫn chưa được khuyến khích hoàn toàn trong thời điểm này. Có nghĩa là bế thì được nhưng không quá lâu trong tư thế đó.
Nói thêm về tư thế bế thẳng đứng, ba mẹ có thể thay đổi một chút bằng cách cho em bé ngồi lên 1 bên cánh tay, cánh tay còn lại thì đỡ ngực và cổ của em. Tư thế này còn được gọi là cách bế quay ngược trẻ ra ngoài. Cách bế này cũng rất an toàn và chắc chắn.
3.3. Bé từ 6 tháng trở lên
Sau 6 tháng thì em bé gần như đã cứng cáp toàn diện rồi. Ba mẹ có thể bế em theo nhiều kiểu và nhiều tư thế khác nhau mà em thích hoặc thuận tiện.
Tuy nhiên, riêng với tư thế bế cắp nách thì khuyên các bậc phụ huynh vẫn nên để trẻ tiến sát đến 1 tuổi hãy dùng cách bế này. Để cho hệ xương, nhất là cột sống của em thật vững rồi hãy chọn cách bế cắp nách.
Lời kết
Kết thúc phần chia sẻ của Mẹ & Bé tại đây, các bậc làm cha làm mẹ lần đầu tiên đã thạo cách bế bé sơ sinh hơn chưa nào? Về cơ bản, việc bế một em bé sơ sinh không phải quá khó. Nhưng nếu bế không chuẩn sẽ gây ra hệ lụy rất lớn sau này tới cột sống và toàn bộ khung xương trên cơ thể bé. Vậy nên, hy vọng rằng những kiến thức được chia sẻ ở trên sẽ thực sự có ích với ba mẹ đang có con vừa mới chào đời.