Dạy trẻ tự lập là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển toàn diện của trẻ. Tham khảo bài viết sau để biết cách dạy con tự lập đơn giản.
Là cha mẹ, ai cũng mong muốn được yêu thương, chăm sóc và bảo vệ con cái của mình. Tuy nhiên, yêu thương không có nghĩa là lúc nào bạn luôn nâng niu và bảo vệ chúng. Thay vào đó, hãy dạy con cách tự lập và để con trải nghiệm mọi thứ, còn bạn chỉ nên đứng bên cạnh hướng dẫn và chỉ bảo bé những điều chưa đúng. Bài viết sau đây là một số cách dạy con tự lập để giúp con hoàn thiện các kỹ năng sống mà ba mẹ có thể tham khảo cùng Mevabe24.com
1. Dạy trẻ tính tự quyết định
Bạn đang tìm hiểu về cách dạy con tự lập để con vững bước và trưởng thành hơn trong tương lai? Các chuyên gia gợi ý rằng, một trong cách để giúp trẻ trở nên tự lập và mạnh dạn là để trẻ tự đưa ra quyết định lựa chọn cho bản thân.
Hãy dùng những thứ đơn giản như quần áo trẻ em, giày dép, túi xách,… để bé tự chọn. Hầu hết các phương pháp nuôi dạy con thông minh đều cho thấy rằng, cha mẹ không nên quá ép buộc con cái phải tuân theo quyết định của cha mẹ. Tất cả những gì mà cha mẹ cần làm là đưa ra lời khuyên để trẻ có lựa chọn tốt hơn.
2. Để bé tự làm việc cá nhân
Theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng, cha mẹ nên dạy con tự lập trong việc ăn uống ở giai đoạn từ 10 – 18 tháng tuổi. Khi trẻ được 10 tháng, chúng đã có thể ăn các loại thức ăn mềm, nhỏ, ngoài ra bé có thể tự bốc, nắm hoặc xúc thức ăn một cách dễ dàng.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể cho trẻ chơi với các dụng cụ ăn để tăng tính tự lập ở trẻ, đồng thời kích thích sự sáng tạo và tò mò của trẻ. Nhiều mẹ lo ngại cho con ăn một mình vì sợ quần áo của con bị bẩn. Nhưng có thể mẹ không biết, sạch quá cũng không tốt vì nó vô tình cướp đi khả năng quan sát, tìm tòi, sáng tạo của trẻ.
Đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, cha mẹ nên để trẻ tự sắp xếp đồ chơi, tủ sách, phòng học, dọn dẹp phòng ngủ… Còn đối với những trẻ trên 10 tuổi, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ cách giặt đồ của mình, sắp xếp tủ quần áo,… Đây là cách dạy con tự lập và biết chăm sóc những đồ dùng cá nhân.
3. Dạy con tự giác
Chủ động và kỷ luật là điều cần thiết cho tất cả mọi người, ngay cả trẻ nhỏ. Cha mẹ hãy tập cho con tính tự giác như chủ động sắp xếp thời gian đi học, đánh răng, ngủ dậy, vui chơi… hoặc có thể chủ động giúp cha mẹ làm một số công việc nhà như rửa bát, lau nhà,…. Điều này không chỉ giúp ích cho bé không bị bỡ ngỡ khi rời xa vòng tay của cha mẹ, mà còn giúp bé tự chăm sóc bản thân mình thật tốt.
Khi trẻ được 4 tuổi, cha mẹ có thể bắt đầu dạy trẻ cách rửa bát. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần lưu ý chọn loại nước rửa bát có thành phần dịu nhẹ, lành tính để không gây ảnh hưởng đến làn da nhạy cảm của trẻ.
4. Dạy con kiểm soát cảm xúc
Một cách dạy con tự lập khác mà cha mẹ có thể tham khảo là dạy con kiểm soát cảm xúc của mình. Trẻ có thể vui chơi thoải mái nhưng phải biết tiết chế cảm xúc, không nóng giận, không gây gổ với bạn bè, không la hét nơi đông người,…
Nếu không dạy trẻ cách kiềm chế cảm xúc có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển trong tương lai sau này của trẻ, đặc biệt là về nhân cách và tâm lý. Trẻ dễ cáu giận, dễ nổi nóng và thờ ơ với cảm xúc của người khác.
5. Dạy bé tính kiên trì
Cha mẹ hãy dạy cho con về tính kiên trì, vì đức tính này sẽ giúp con cố gắng phấn đấu nâng cao khả năng của mình trong tương lai. Trẻ nhỏ thường dễ nản lòng là điều bình thường, tuy nhiên, nếu cha mẹ rèn luyện cho con khi trẻ còn nhỏ, thì khi lớn lên chúng sẽ chủ động và có trách nhiệm hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình để trẻ cố gắng tự lập, cũng sẽ có lúc trẻ sẽ muốn bỏ cuộc và chùn bước. Vì vậy, cha mẹ hãy luôn khuyến khích tinh thần và động viên con cái. Đối với những nhiệm vụ khó hơn khả năng của trẻ, cha mẹ cũng đừng áp đặt mà hãy hỗ trợ để trẻ có thể hiểu thêm vấn đề, từ đó đưa ra phương pháp giải quyết tốt hơn.
6. Giao trách nhiệm cho con
Một trong những cách dạy con tự lập hiệu quả nhất ở Nhật Bản là giao cho con trách nhiệm ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Việc dạy trẻ có tinh thần trách nhiệm rất quan trọng vì con cần phải có trách nhiệm với những hành động của mình cũng như với cuộc đời của mình.
Ngoài ra, tinh thần trách nhiệm cũng có thể ảnh hưởng một phần đến quyết định của trẻ. Chẳng hạn trẻ được giao gấp quần áo, dọn dẹp nhà cửa,… lúc này, bản thân trẻ phải có trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, việc trẻ quyết định hoàn thành nhiệm vụ của mình hoặc chọn cách bỏ qua đều phụ thuộc vào tính trách nhiệm đã được rèn luyện của bé.
Dạy con bạn trách nhiệm không phải là để trẻ tham gia vào các vấn đề tài chính của gia đình, mà cha mẹ có thể bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt. Như cho con được góp ý kiến vào các kế hoạch đi chơi và để con tự tìm hiểu xem điều gì là cần thiết và quan trọng cho chuyến đi.
7. Dạy trẻ thất bại không là vấn đề lớn
Nhiều bậc cha mẹ đặt kỳ vọng vào con cái của mình một cách quá đáng. Cha mẹ yêu cầu sự hoàn hảo, và luôn đạt chiến thắng trong cuộc sống của bé. Rõ ràng điều này là không thể vì bất kỳ ai cũng tránh khỏi những cú ngã trong đời.
Đôi khi con bạn thất bại ở một điều gì đó, và tất nhiên là trẻ sẽ thất vọng về bản thân mình. Hãy trấn an và nói cho trẻ biết rằng thất bại cũng chẳng sao. Cha mẹ nên dạy bé học hỏi từ những lần thất bại này, tiếp tục cố gắng và đứng lên.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng có thể hướng dẫn và cho trẻ biết rằng trẻ có thể làm tốt hơn, nhưng đừng chỉ trích về những thất bại của trẻ. Điều này có thể ảnh hưởng rất nhiều đến lòng tự trọng và tinh thần phấn đấu của bé.
8. Luôn cổ vũ khích lệ
Khi con bạn làm điều gì đó đúng hoặc tự mình hoàn thành tốt điều gì đó, thì đừng ngần ngại khen ngợi con và cho con biết bạn tự hào như thế nào. Những lời tán dương, phản hồi tích cực là điều vô cùng cần thiết để phát triển tính cách của trẻ.
Cha mẹ đã quá quen với việc dạy dỗ, dẫn đường và hướng dẫn cho con. Thậm chí, một số người còn cho rằng trẻ nhỏ phải tin tưởng tuyệt đối vào người lớn chứ không phải là người lại. Tuy nhiên, chính điều này làm hạn chế khả năng tự lập và tính tự giác trong trẻ. Cách dạy con tự lập tốt nhất là nên tin tưởng vào thế mạnh và truyền cho con niềm tin vào khả năng của mình.
9. Định hình hành vi đúng tuổi
Hãy dạy cho đứa con 6 tuổi của bạn biết rằng cần phải giữ sự bình tĩnh khi cảm thấy khó chịu hoặc nóng giận với một điều gì đó và hãy xây dựng hành vi của con trẻ từng bước. Đồng thời, cha mẹ cần nói cho trẻ biết những việc cần phải thực hiện, sau đó để trẻ tự mình thử làm và trải nghiệm. Nếu con bạn đang đi đúng hướng, hãy khuyến khích, khen ngợi và hướng dẫn lại khi trẻ đi sai đường.
Nếu trẻ đã nhuần nhuyễn bước đầu tiên, cha mẹ hãy chuyển sang dạy trẻ các bước tiếp theo trong quy trình. Điều quan trọng là phải định hình hành vi của trẻ khi trẻ bắt đầu học một kỹ năng mới. Khi con bạn đã thành thạo bước đầu tiên, thì mới dạy chúng những bước tiếp theo.
10. Chúc mừng thành tựu của trẻ
Mải mê với công việc có thể khiến cha mẹ bỏ qua những thành tích mà con cái mình nỗ lực đạt được. Điều quan trọng cần nhớ là trẻ nhỏ rất cần sự quan tâm và công nhận từ cha mẹ mỗi khi chúng hoàn thành hoặc chiến thắng được mục tiêu của mình.
Không nhất thiết phải là những thành tích lớn, như trở thành một nhà vô địch trong cuộc thi toán học hay chiến thắng một trận bóng đá. Mà chỉ là những thành tích nhỏ, như đánh răng đúng cách, hoàn thành xong bài tập về nhà, đạt điểm cao trong bài kiểm tra,… Việc cha mẹ khen ngợi, chúc mừng sự tiến bộ này sẽ giúp con bạn nâng cao lòng tự trọng.
11. Nuôi thú cưng
Thú cưng có thể mang lại nhiều lợi ích không chỉ trong việc giúp trẻ tự lập mà còn cho sự phát triển tình yêu thương của trẻ. Tuy nhiên, khi mang vật nuôi vào nhà, điều quan trọng mà cha mẹ cần làm là để trẻ em hiểu rõ tất cả các trách nhiệm liên quan. Ví dụ: cho thú cưng ăn có thể là một cách tuyệt vời để trẻ thực hành chăm sóc người khác. Ngoài ra, vui chơi với thú cưng cũng hỗ trợ cải thiện các kỹ năng xã hội của trẻ và nâng cao sự khám phá, sáng tạo.
12. Khám phá nỗi sợ và lắng nghe trẻ
Một đứa trẻ có nhiều nỗi sợ hãi là một điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, là người lớn, chúng ta phải hiểu được nỗi sợ của trẻ, lắng nghe chúng và trấn an. Điều quan trọng là con bạn có thể tin tưởng để nói cho bạn biết cảm xúc thầm kín nhất.
Ngoài ra, hãy cho con bạn hiểu rằng sợ hãi là một phần tự nhiên của bất kỳ thử thách nào và hướng dẫn trẻ mạnh mẽ vượt qua nỗi sợ. Một ý tưởng tuyệt vời để giải tỏa nỗi sợ hãi của con trẻ là giải thích cho con cách bạn đã vượt qua những khó khăn, thử thách đó.
Với những cách dạy con tự lập được nêu trên đây, hi vọng sẽ hữu ích đối với các bậc phụ huynh trong việc giúp con mình phát triển toàn diện hơn. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên dạy con một số kỹ năng kỹ năng sống để con phát triển toàn diện hơn. Và đừng quên theo dõi Mẹ và bé 24h thường xuyên để nhận được những tin tức mới nhất về cách chăm sóc mẹ và bé.